Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

GIAO ƯỚC VỚI QUỶ 2

2.
MƯỜI NĂM SAU

“Chúng ta phải làm gì đây, Addie?” Đôi mắt đẹp đẽ màu quả phỉ của bố tôi giờ đây đã trũng sâu. Ông từng rất mạnh mẽ và có thể làm bất kì chuyện gì, nhưng sau khi mẹ tôi mất, sức khoẻ của ông bắt đầu tụt dốc. Những giờ làm việc dài dằng dặc lại càng chẳng giúp được gì. Tim tôi như vỡ nát vào cái ngày chúng tôi biết được ông mắc chứng Viêm đường ruột (Crohn’s disease).

Yale không còn là một lựa chọn dành cho tôi nữa. Tôi từ bỏ mọi điều hằng mơ ước để đến làm việc ở quán ăn. Tôi cần phải chăm sóc cho gia đình mình. Sofia lao vào việc học, muốn quên đi mọi chuyện đã xảy ra. Không thể trách con bé được. Toàn bộ công sức của con bé đã được đền đáp khi nó nhận được học bổng bán phần của Yale. Tôi rất tự hào về con bé.
“Chúng ta phải trả học phí thế nào đây, Addie?” Bố tôi buồn bã nói. “Bố muốn gửi tiền cho nó. Bố muốn điều tốt nhất cho con gái bé nhỏ của mình. Bố không muốn làm nó thất vọng như đã làm với con.” Ông lắc lắc đầu khi những giọt lệ bắt đầu dâng lên khoé mắt.

“Bố không làm con thất vọng đâu, Bố. Đây là lựa chọn của con. Con đã chọn không đến Yale. Con mới chính là người nói rằng sẽ ở lại để giúp đỡ.” Tôi trao cho ông nụ cười trấn an. Cầm lấy tay ông, tôi giữ nó trên tay mình. Bố mẹ tôi không có nhiều tiền để dành cho lắm và số tiền bảo hiểm bố nhận được từ mẹ, chà, nó chẳng giúp ích được nhiều như nó nên thế.

Mọi chuyện cứ rối tung lên và tôi chẳng có tâm trạng để kể cho bố nghe. Sao tôi có thể chứ? Ông ấy đã làm việc rất cật lực trong suốt những năm qua, và nếu mẹ tôi không chết, có lẽ chúng tôi đã ở một nơi tốt đẹp hơn.

Cái đêm mẹ tôi qua đời, chính là cái đêm mà gia đình tôi mất đi một người gắn kết các thành viên với nhau. Bà ấy rất giỏi tính toán chuyện tiền bạc và biết cách để tiết kiệm. Chuyện đó khó khăn hơn với tôi; không phải là tôi không biết cách dành dụm, song tôi còn phải đối mặt với người bố làm việc vất vả nữa. Trong thâm tâm, ông luôn nghĩ mình là người đứng đầu gia đình, thế nên ông sẽ là người đưa ra quyết định, và tôi không định sẽ bảo ông phải điều hành việc làm ăn thế nào.

Ít nhất tôi cũng đã dành thời gian để đến học ở một trường cao đẳng và lấy được tấm bằng kinh doanh. Đó không phải ước mơ của tôi, nhưng ít ra tôi cũng có được chút gì đó. Sofia vẫn đạt thành tích xuất sắc ở trường dù phải phụ giúp chúng tôi ở quán ăn vào những ngày cuối tuần.

Vài năm đầu, quán ăn làm ăn rất khá. Chúng tôi luôn bận bịu và có thu nhập tốt. Điều đó giúp chúng tôi không nghĩ quá nhiều về mẹ và khoảng trống mà bà bỏ lại phía sau. Giờ đông khách buổi sáng và tối rất vui, nhiều lúc còn khá căng thẳng nữa, nhưng chừng nào chúng tôi còn làm ra tiền thì chừng đó cả bố và tôi đều thấy hạnh phúc.

Tài nấu nướng của bố tôi vô cùng xuất sắc, các vùng lân cận luôn khen ngợi điều đó. Ông yêu quý các khách hàng của mình và cả niềm vui của họ khi ăn uống tại quán nữa. Ông chính là chủ đề của cả thị trấn, một nơi để đến thưởng thức món ăn Hy Lạp chính cống. Nhưng nhiều năm trôi qua, căn bệnh đã khiến ông tuột dốc và quán ăn bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ. Dần dần, tôi phải cho các nhân viên nghỉ việc, cho đến khi chỉ còn lại mỗi bố và tôi. Vì tình trạng bệnh tật, bố tôi thường xuyên bị buộc phải ở nhà, hoặc tệ hơn là bị giam trong nhà tắm, để lại quán xá cho một mình tôi coi sóc.

Bạn thấy đấy, Chứng Crohn’s sẽ tấn công vào đường ruột. Chứng viêm ruột là nguyên nhân khiến bố tôi sút cân trầm trọng. Triệu chứng tiêu chảy dữ dội và những cơn đau ở bụng nhiều lúc ghê gớm đến độ khiến ông bị kiệt sức và suy dinh dưỡng. Bất kì thứ gì ông ăn vào đều có thể và sẽ tạo ra ảnh hưởng, khơi mào cho những cơn đau và tình trạng kiệt quệ.

Mọi chuyện ở quán ăn trở khắc nghiệt hơn với mỗi năm trôi qua. Khách hàng bắt đầu thưa thớt dần và lợi nhuận cũng thế. Chúng tôi từng được biết đến là quán ăn Hy Lạp xuất sắc nhất, nhưng giờ đây hiếm khi có người ghé qua.

Có những này tôi phải làm gấp ba công việc, chỉ bởi vì tôi không để cho bố ra khỏi nhà. Mười năm qua không hề dễ dàng khi phải chứng kiến bố tôi sa sút dần. Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng chỉ khi không có ai xung quanh. Tôi không thể để cho họ thấy mình khổ sở đến nhường nào được. Cái chết của mẹ tác động tới cả hai người họ nhiều hơn là tới tôi. Là lỗi do tôi nên mẹ mới chết, nếu tôi không quá ích kỉ thì hôm nay bà sẽ vẫn ở đây với chúng tôi.

Thói quen duy nhất mà tôi vẫn giữ đó là chạy bộ. Chẳng có gì ngăn được tôi chạy bộ ở Công viên Trung tâm cả. Tôi sẽ đến đó mỗi khi có cơ hội. Thậm chí là vào lúc sáng sớm, khi hầu hết mọi người còn ngủ. Điều may mắn duy nhất đó là quán ăn thường đóng cửa vào lúc chín giờ tối. Ít ra, chúng tôi còn những buổi tối ở cùng nhau.

***

“Em không đi!” Sofia hét lên.

“À, để chị nghĩ xem nhé?” Tôi nói vẻ mỉa mai, đặt một ngón tay lên cằm. “Có, em sẽ đi! Em đã đăng kí học bổng này mà,” tôi hét trả lại.

“Đúng, nhưng là vì em muốn học bổng toàn phần, không phải bán phần! Chúng ta đâu thể chi trả được!” con bé la lớn.

“Để cho chị quyết định cái gì chúng ta có thể hay không thể chi trả, em còn chưa đủ mười tám tuổi nữa mà,” tôi nạt con bé.

“Aaaaaa! Chị hách dịch quá vậy,” con bé đáp trả.

“Chị không quan tâm mình thế nào, em sẽ đi đến ngôi trường đó, và chị không muốn nghe điều ngược lại,” tôi hét qua vai khi con bé chạy lên cầu thang. Tôi hiểu em gái mình. Chính tôi đã nuôi nấng nó kia mà. Con bé đang cảm thấy tội lỗi. Tôi chả quan tâm mình phải làm gì, nhưng tôi sẽ gửi nó đến ngôi trường chết giẫm đó.

“Có chuyện gì với con bé vậy?” Bố tôi nói bằng thứ tiếng Anh không rành rẽ khi ông cẩn thận ngồi xuống trường kỷ, tay ôm lấy bụng. Tôi thở dài khi nhìn vào bố mình, trái tim như vỡ nát.

“Sofia đang tỏ ra cứng đầu thôi ạ. Bố đừng lo chuyện đó.” Tôi mỉm cười với ông và ông cười đáp lại. Chúa ơi, ông đã mất rất nhiều cân và đám thuốc steroid chẳng giúp ích gì cả. Bác sĩ cứ bảo chúng tôi hãy chờ xem. Vậy nên tôi chờ.

“Con đi đâu thế?” bố hỏi ngay khi thấy tôi đứng lên.

“Mười một giờ rưỡi rồi Bố. Nếu con muốn chạy bộ thì giờ con phải đi ngủ thôi. Ngủ ngon nhé Bố.” Tôi hôn lên mái đầu ông rồi sải bước lên những bậc thang dẫn tới phòng mình.

Tôi bước vào căn phòng ngủ tối om. Có lẽ Sofia đã ngủ rồi. Bước đến bên giường mình, tôi lấy bộ pijama ra.

“Addie? Em thật sự có thể đi sao?” con bé hỏi khi đang nằm trên giường, cả người quay về phía cửa sổ.

“Phải, em sẽ đi. Chị hứa,” tôi cam đoan. “Ngủ ngon, Sofia,” tôi khẽ nói khi rời khỏi phòng để đi đến nhà tắm.

Sau khi khoá cửa phòng tắm, tôi đến đứng trước bồn rửa. Ngước mặt lên gương, tôi liếc nhìn bản thân mình, giận dữ trước hoàn cảnh hiện tại. Sao cuộc sống lại bất công đến thế? Tôi cần tìm cách lo tiền học phí, nhưng bằng cách nào đây? Chiếc xe tồi tàn của tôi chẳng hề đáng giá. Căn nhà vẫn đang còn thế chấp và cửa hàng thì lại ngốn bộn tiền. Trước khi kịp bật khóc, tôi mở vòi nước và toé nước lạnh lên mặt mình. Cô gái tóc nâu đang nhìn lại tôi là ai đây? Chuyện gì đã xảy ra với tôi trong mười năm qua vậy?

Có tiếng gõ cửa khe khẽ vang lên.

“Addie. Bố cần dùng nhà tắm,” bố tôi yếu ớt nói.

“Vâng, Bố.” Tôi gom vật dụng của mình rồi mở cửa. Tình trạng của ông xấu đi khi chúng tôi biết được Sofia chỉ nhận được học bổng bán phần. Sẽ ổn thôi, ngày mai là một ngày khác. Tôi sẽ tìm ra cách vào ngày mai.

***

Tôi cảm thấy khá hơn đôi chút sau cuộc chạy bộ buổi sáng. Tôi dành nhiều thời gian cho nó hơn thường ngày một chút. Đã năm giờ sáng rồi, thế nên tôi phải nhanh chân lên nếu muốn mở cửa quán ăn. Tôi đã đảm bảo bố sẽ không đến bằng cách giấu chìa khoá của ông. Đó là cách tôi thường dùng; ông ghét như thế, nhưng nó luôn hiệu quả. Dù ông đã cố gắng nhưng căn bệnh rất tệ. Tôi đã nấu súp với hi vọng sẽ giúp ông lấy lại được chút sức lực.
Giờ cao điểm buổi sáng khá ổn, tốt hơn trước nên tôi không thể phàn nàn gì. Bố tôi đã không đến đây ba tuần rồi, thế lại tốt, nếu nhìn thấy việc người ta đang xây dựng một chuỗi quán ăn ở đối diện chúng tôi, ông sẽ suy sụp hoàn toàn mất.

“Thế này không ổn chút nào,” Silvia nói. Bà ấy là một trong những khách quen trung thành nhất của chúng tôi. Bà hơi lập dị. Bà thường dùng quá nhiều má hồng và nước hoa rẻ tiền. Tuổi tác của bà ấy hoàn toàn bí ẩn, nhưng bà đã lớn tuổi rồi. Mái tóc bà ấy có màu tím nhạt, được đánh phồng cao ngất trên đỉnh đầu.

“Vâng, không hề ổn,” tôi thì thầm, nhìn ra ngoài qua cửa sổ phía trước. Họ đã sắp khai trương rồi.

Tôi đứng đó, hai cánh tay khoanh lại, chỉ biết lắc đầu. Vì quá mê mải nên tôi đã không hề chú ý một khách hàng vừa bước vào.

“Thế ở đây đối đãi kiểu gì vậy? Em có làm việc không hay chỉ ngó trâng trâng ra ngoài cửa sổ thôi?”

Không thể nào.

Mười năm đã trôi qua rồi. Không đời nào tên con trai đó lại ở đây cả.

Tôi chầm chậm xoay đầu và ở đó, đứng ngay lối vào quán ăn của tôi là Daimon.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét